Hiếu và hành trình chinh phục 21km
Sau vài tuần làm quen với những cung đường nhựa, đường đất, đường xi măng, hôm nay Hiếu trở lại với chế độ luyện tập hà khắc.
4 giờ sáng bật dậy, phóng ra đường khởi động nơi vắng vẻ. Vắng tanh! Đúng là chả có ông anh nào lại dở hơi như lão Hiếu.
Vì ngủ quá ít, cu cậu vừa khởi động vừa lảo đảo, “Phen này là vừa chạy vừa ngáo thật rồi.” Khởi động xong tay chân thân cổ, Hiếu xuất phát từ đường Trần Thủ Độ, chạy một mạch đến cổng công viên sau 10 phút chạy khởi động nhẹ nhàng.
Sáng vừa mở mắt, uống hết nửa bình nước, đã tự nhắc bản thân phải “xả lũ” trước khi bước khỏi nhà rồi mà sao vẫn cứ không nhớ. Mắc tè, Hiếu theo guồng bài chạy hướng thẳng đến WC công cộng gần nhất. Vì còn quá sớm, WC còn chưa kịp mở cửa tiếp khách, đành tiếp tục nín nhịn mà thực hiện tiếp bài chạy.
Vẫn như mọi ngày, mỗi lần chạy Hiếu mất rất nhiều nước. Mồ hôi vã ra như tắm, ổng quên luôn là đang có nhu cầu.
Các bác các cô vừa đạp xe vừa bật nhạc nghe thật vui tai. Những bài nhạc vàng nghe từ gần rồi lại tiến ra xa, đôi khi vọng lại những bài nhạc nhảy nghe rất bốc.
Hai bên đường, muỗi cứ từng đám từng đám vo ve vo ve. Chạy buổi sáng mới thấy, đàn muỗi bay rất có hàng có lối, ý thức vô cùng. Chứ không như ông Hiếu, hết đánh võng sang bên này tránh xe đạp, lại lách sang bên kia tránh ổ gà.
Về đến nhà, muộn hơn so với kế hoạch đề ra 30 phút, Hiếu tắm rửa — ăn uống — lên đồ, đặt mông lên xe máy phóng ra khỏi ngõ, bắt đầu cho một ngày làm việc mới đầu tuần.
Một bài tập hồi sức ngay sau buổi chạy dài đầu tuần.
Hiếu chạy nhẹ nhàng với những sải bước ngắn, ráng giữ cho nhịp tim mỗi phút dưới ngưỡng 150 nhịp.
Một ngày thật oi, chả có lấy chút gió.
Thử tăng guồng chân với bước chạy ngắn hơn. Cảm giác ban đầu có hơi tức ngực; tuy nhiên, sau khi cơ thể đã quen với nhịp độ mới, cảm giác vận động có vẻ thoải mái hơn tương đối so với khi thực hiện thói quen chạy cũ.
Chinh phục một cự ly mới vào một buổi sáng không được thời tiết ủng hộ.
Rảo bước, nhấc gót, chạy nhẹ nhàng dọc con đường Trần Thủ Độ. Những bước chạy có chút khó thở, có lẽ phần là do độ ẩm.
Bài khởi động của ngày hôm nay thật nặng nhọc. Vẫn cường độ như vậy, nhưng cơ thể này lại không nghĩ như thế.
Vào đến công viên Yên Sở, bắt đầu lượt tăng tốc đầu tiên trên con đường với những bóng đèn thắp sáng. Hiếu lạng lách để tránh những đám rác cùng với những cái xác áo mưa. Hẳn là đêm qua đã có một sự kiện thật linh đình được diễn ra ngay tại chỗ này.
Thoát khỏi cung đường sự kiện, Hiếu tập trung dồn sức vào bài chạy. Chạy một mạch, hoàn thành ba phần tứ cự ly với một đôi chân bắt đầu rệu rã.
May thay, đang chạy thì bắt gặp ngay hai anh đứng tuổi. “Chính ra… chạy 21… cây… khoai phết… nhờ…” Vừa nói chuyện, hai anh vừa thực hiện những bước chạy thật đều và vững chắc.
Bám theo hai anh như cách mà một runner bám theo hai pacer dẫn đường, Hiếu dồn hết sức bình sinh đánh tay nhấc gối. Cố giữ số nhịp chân mỗi phút với chút sức lực ít ỏi còn lại, chân thì tê mà đầu thì u mê khó tả.
Được chạy cùng pacer cảm giác thật tuyệt. Bản thân cứ như bị cuốn theo guồng chạy của họ vậy, thật đều và vững chắc.
Hai anh hoàn thành bài chạy của mình trong khi Hiếu vẫn còn phải chạy thêm chút đỉnh. Bẻ lái, Hiếu chuyển sang bám theo hai chị vận động viên đang chạy ngay ở làn bên cạnh. Cố gắng thích nghi với nhịp chân của hai chị để hoàn thành những trăm mét cuối cùng.
“*ao *ây rồ* em,” một thứ âm thanh xuất hiện khi Hiếu vừa bứt tốc vượt lên trước hai chị. Nhìn xuống chân, nghĩ nhẩm, “Chắc hai chị đằng sau bảo mình là ‘tuột dây rồi em’ đây mà.” Mà quái! Chả thấy cái dây nào bị tuột cả. Ngoái đầu lại nhìn, nghe chị hỏi lại, “Bao cây rồi em?” “Dạ… 13 cây ạ.”
Hoàn thành bài chạy trong bộ đồ sũng nước, 15 cây hôm nay vất vả mà có nhiều trải nhiệm mới lạ ghê.
Chạy 45 phút với nhịp tim thấp.
Bị chấn thương, đau cơ đùi trước và cơ hình lê.
Hai tuần trôi qua thật nhanh, trở lại đường chạy sau đợt nghỉ dài ngày vì đôi chân bất ổn. Bắt đầu với một bài tập nhẹ vào sáng sớm: (3 phút chạy + 3 phút đi bộ) x 3 + 10 phút chạy
Không phải lần đầu tiên bị chấn thương, nhưng lại là lần đầu tiên phải “treo giò” lâu đến vậy. Đau vì chấn thương 1 phần, nhưng đau vì sự cố chấp thì phải gấp 10 lần.
“Chưa bao giờ phải thay đổi lịch tập luyện mặc cho mọi chấn thương, thời gian biểu, hay thời tiết,” HẮN đã từng tự hào nghĩ về bản thân như thế đấy. Nhưng có lẽ, lắng nghe cơ thể nhiều hơn, hành động thông minh hơn, duy trì tính kỷ luật, mới là cách để theo đuổi mọi thứ một cách lâu bền.
Tiếp tục phục hồi sau chấn thương
(3 phút chạy + 1 phút đi bộ) x 2 + 2 phút đi bộ + (15 phút chạy + 3 phút đi bộ) x 2
Hết chấn thương, trở lại chế độ tập luyện như bình thường
(5 phút chạy + 2 phút đi bộ) x 2 + 40 phút chạy + 10 phút chạy chậm
Buổi chạy hôm nay phải kết thúc sớm hơn so với dự định, với một lý do nhịp tim bị đẩy lên quá cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, nhưng có lẽ điểm bất thường đầu tiên mình nhận thấy trong buổi chạy ngày hôm nay đó chính là MẤT NƯỚC.
Cả người vã mồ hôi như tắm chỉ trong vỏn vẹn 10 phút khởi động. Cơ thể khi bị mất nước sẽ khiến thể tích máu giảm, buộc trái tim phải đập nhanh hơn để đẩy được lượng máu cần thiết đi xa.
Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (What I Talk About When I Talk About Running, 走ることについて語るときに僕の語ること, Hashiru Koto ni Tsuite Kataru Toki ni Boku no Kataru Koto) — một tác phẩm đến từ tác giả của Rừng Nauy.
Sau bài chạy nặng vào sáng sớm, tôi dành ra nguyên một ngày nghỉ lễ để cày hết tác phẩm. Phải nói là đã lâu rồi mới lại dành thời gian để đọc sách, không phải vì quá bận bịu với công việc và những thứ linh tinh, chỉ đơn giản là không có hứng, hay nói thẳng ra là lười đọc.
Tôi vẫn thích lối hành văn của Murakami qua những tác phẩm của ông mà tôi đã từng đọc. Gọi là những nghe có vẻ nhiều, nhưng thực tình tôi mới đọc được có hai tác phẩm, tính cả quyển này nữa thì là ba.
Khác với hai tác phẩm tôi đã đọc trước kia, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ là một quyển tự truyện, nói về một phần cuộc đời của Murakami khi là một nhà văn chuyên nghiệp, kiêm một chân chạy marathon kỳ cựu. “Thú vị, đôi lúc bật cười,” là những gì tôi cảm thấy khi đọc tác phẩm này.
Tôi tìm thấy những điểm chung và đâu đó một vài điểm khác biệt giữa câu chuyện chạy bộ của tôi với của tác giả. Khá bất ngờ khi Murakami, hay chí ít là dịch giả, cũng có đả động đến cụm từ “chạy tự động”, thuật ngữ hay được tôi sử dụng khi viết lại về cuộc hành trình chinh phục 10km đầu tiên của mình. Nếu hình ảnh đầu tiên hiện ra trong đầu tôi khi cơ thể khát kiệt chính là những trái dừa, thì với Murakami, đó là những chai bia lạnh.
Khác với tôi, Murakami tuyệt đối không bao giờ đi bộ trong lúc tập chạy hay thi đấu. Với ông, đã chạy là chỉ chạy, dù có phải lê lết, tuyệt đối không bao giờ đi bộ.
Đọc những mẩu chuyện của Murakami, tôi phần nào hình dung ra những điều mà có lẽ sắp tới tôi sẽ được trải nghiệm. Và biết đâu, một ngày nào đó, chính tôi cũng có thể tự viết nên một cuốn tự truyện như vậy, với nhân vật chính là chính tôi — một chuyên gia tin học, kiêm một chân chạy đường dài lão luyện.
“Đau đớn là không thể tránh khỏi. Đau khổ là tự nguyện. Giả dụ lúc đang chạy ta lại bắt đầu nghĩ, Trời ơi đau quá, mình không chịu đựng nổi nữa rồi. Cái phần đau là một thực tế không thể tránh khỏi, nhưng ta có chịu đựng nổi nữa hay không là tùy thuộc vào chính người chạy. Điều này gần như gói gọn được khía cạnh quan trọng nhất của chạy marathon.” — Haruki Murakami
Chạy 45 phút với nhịp tim thấp.
Chạy một tiếng, luyện sức bền. Thử tăng guồng chân lên thật cao, không gặp chấn thương gì đáng kể. Nhịp thở nhanh kèm với hơi thở nông, mồ hôi ra ít và không có cảm giác khát nước.
Chạy một tiếng, luyện sức bền. Vẫn giữ guồng chân nhanh, sải chân ngắn và bàn chân nâng thấp.
Chạy được già nửa bài thì gặp một anh trai cyclist mặc đồ bó sát, trông phong thái toát lên vẻ chuyên nghiệp. Gặp anh ở cổng công viên Yên Sở, chạy vượt qua anh để bắt đầu cho vòng chạy thứ hai. Anh đi theo cùng một tiếng gọi nhẹ, “Em trai ơi chụp anh cái ảnh với.” Bấm máy vài tấm ảnh cho anh cạnh cái trạm sạc xe điện của Vinfast, tiếp tục hoàn thành nốt bài tập của buổi chạy ngày hôm nay.
Chạy một tiếng, luyện sức bền. Đau cơ đùi sau do phải làm quen với tốc độ guồng chân mới. Đau từ lúc xuất phát và bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn kể từ phút thứ 40.
Hôm nay ngày cuối tuần, rủng rỉnh làm một bài Long Run kéo dài hai tiếng từ 5 rưỡi sáng.
Vẫn với lộ trình cũ, Hiếu xuất phát từ con đường Trần Thủ Độ để tiến ra công viên Yên Sở.
Gần đến được cổng công viên, tôi chợt nhận ra một dáng chạy thật quen, chính là của chị gái mà dạo gần đây tôi có gặp trong những buổi chạy.
Chưa bao giờ hai chị em nói chuyện với nhau, nhưng hôm nay, bất ngờ, chị hỏi, “Em đang chạy vào công viên à?” cổ chị hơi xoay về phía đó nhằm ra hiệu cho tôi.
“Dạ vâng, em chuẩn bị tiến vào công viên,” Hiếu đáp.
Vào đến công viên, tôi chạy cùng chị, hai chị em vừa chạy vừa nói chuyện.
“… Em chạy lâu chưa? Sao cứ nhìn vào đồng hồ nhiều thế?”
“… Chị không đặt ra mục tiêu như em, nào là 10 cây, 21 cây, rồi thì 42 cây; chị chỉ chạy đều đặn 10 cây mỗi ngày thôi, thi thoảng thì có tăng lên 15 hay gì đó.”
“… Đúng là thanh niên, trẻ, chạy khỏe.”
Chạy được một lúc, chị chuyển hướng nhập đoàn với ba chân chạy trông có vẻ kỳ cựu. Hiếu lại tiếp tục tiến lên với cung đường chạy của riêng mình.
Lần đầu tiên trò chuyện với một ai đấy trong lúc chạy. Vừa chạy vừa nói, câu chữ nói ra có phần méo mó, đôi lúc còn bị hụt hơi. Nhưng vẫn dễ hơn nhiều so với những gì tôi vẫn hay tưởng tượng. Có lẽ, hai lá phổi của tôi đã bắt đầu “cứng cáp” hơn sau những tháng ngày gắng sức phồng xẹp.
Hoàn thành một vòng chạy dài vắt vẻo, tôi gặp lại chị.
Lúc này tôi đang cuốc bộ nghỉ ngơi đợi nhịp tim giảm, chị thì đang chạy những trăm mét cuối cùng.
“Chạy tiếp đi em.”
“Dạ… vâng,” tôi bất ngờ khi nghe thấy tiếng chị gọi từ đằng sau.
Chưa kịp nói gì thêm, chị nhanh chóng vượt lên và phóng đi, cách tôi chừng chục mét.
Rồi chị giảm tốc và bắt đầu đi bộ.
Chị hoàn thành bài chạy cũng là vừa đúng lúc hết thời gian giải lao, Hiếu lại tăng tốc, bắt đầu vào vòng chạy thứ hai.
Chạy qua chị, chào chị một tiếng, rồi lại nghiêm túc với nửa còn lại của bài chạy.
Đang chạy với cái đầu rỗng không trên những ki-lô-mét cuối, tôi chạm mặt hai anh runner chạy ngược chiều. Hai anh chạy cùng nhau, một anh với cặp kính bóng loáng giơ tay thả 👍 hướng về phía tôi, “Nhanh đấy!” Tôi mỉm cười, cũng cố tạo dáng tay giống anh, đáp lại. Tiếp tục bài chạy, tôi còn gặp lại hai anh thêm hai lần nữa trước khi tiến vào đoạn chạy chậm, mỗi lần như thế, chúng tôi lại ra hiệu chào nhau, bằng tay, và bằng nụ cười.
Lê đôi chân đã mỏi nhừ hướng ra phía cổng, tôi lại có thêm một cuộc gặp gỡ nữa.
“Em chạy bao nhiêu cây?” chị hỏi.
“Dạ, chắc đâu đấy gần 20 ạ.”
“Ồ, thế chắc phải chạy từ lâu rồi nhỉ?”
“Em chạy vắt lưỡi cũng được gần hai tiếng rồi chị ạ 🤣 .”
Chị cười.
Kết thúc bài chạy đầy thử thách một cách an toàn, tôi rảo bước về nhà. Bài chạy hôm nay thật dài thật, một bình nước 250ml là không đủ. Đảo mắt nhìn hết cửa hàng tạp hóa này đến siêu thị nọ, sau một hồi lưỡng lự, Hiếu quyết định ghé vội vào WinMart gần nhà làm luôn một chai Pocari Sweat. Giải tỏa được cơn khát bủa vây suốt những ki-lô-mét cuối, tôi cứ thế ừng ực ừng ực hết nguyên cả chai. Quá đã!
Dừng lại một chút, đặt chai nước xuống, giãn cơ, về đến nhà cất giày, tắm rửa, rồi ăn sáng. Hôm nay mẹ cho tôi ăn bánh 🥮 .
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Luyện sức bền trong 70 phút.
Chào buổi sáng Hải Phòng với một cơn mưa to, sau giấc ngủ khò khò trong cơn sấm chớp, Hiếu bật dậy xỏ giày chạy xuống sảnh khách sạn. Lộp độp… lộp độp… mọi người ngán ngẩm nhìn ra con đường ướt nhẹp.
Chả ngại mưa, cũng không ngại gió, chỉ lo có sét đánh bên tai; đoàn chạy hôm nay đã không thể thực hiện được bài Long Run đúng như kế hoạch. Thôi đành chạy muộn sau khi mưa đã ngớt với một bài Easy.
Vâng!, E-A-S-Y, chính xác đến từng chữ. Dưng kia mà đấy là với sức của các anh, của các chị. Chứ như của tôi, một thằng cu lom dom còi nhom mới tập chạy, từ này dùng có vẻ không đúng cho lắm.
Xuất phát từ khách sạn, hướng ra hồ Tam Bạc, mấy anh em vung chân trên nền nhựa đường ở đoạn Cầu Đất rẽ ra đường Quang Trung.
Vẫn theo kịp tốc độ của các anh sau vòng hồ đầu tiên, Hiếu bắt đầu bị “lạc” khỏi đoàn chạy phải tầm vài trăm mét vì một vài lý do đặc biệt.
“Các anh đã chạy khá xa mình rồi, nên làm sao đây? Chạy ngược lại để bắt đầu vòng mới? Hay đơn độc tự hoàn thành bài chạy?”
Tôi đã chọn CHẠY ĐUỔI!
Nhấn ga, tăng tốc, chạy như chưa bao giờ được chạy, Hiếu vươn mắt cố gắng định vị vị trí của những người anh đã mất hút vào làn mưa rả rích. Gồng mình với Pace 5:10/km, Hiếu chạy với một cách cẩn thận, lướt đi trên nền gạch lát trơn trượt.
Chạy mờ cả mắt, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy bóng dáng của các anh, những người khổng lồ trong suy nghĩ của tôi. Khoảng thời gian gần đuổi kịp các anh chính là lúc căng thẳng nhất, đơn giản là vì tâm lý sắp “cán đích”. Một cảm giác mà chỉ cần chạy nhanh thêm chút nữa thôi là có thể đạt được mục đích tại thời điểm đấy, đuổi kịp mọi người. Và thế là nhịp tim cứ cao vống lên, do tăng tốc và cảm giác hồi hộp.
Cuối cùng cũng đến nơi, Hiếu tiếp tục chạy cùng với cả đoàn sau khi được các anh hãm tốc trong chốc lát để “Cho thằng em nó còn hạ nhịp.”
1…2…1…2…
Chạy thêm được phần tứ vòng hồ, tôi phải bỏ vòng, quay đầu chạy theo hướng ngược lại để có thể cùng với các anh chạy vòng tiếp theo. Tôi cần nghỉ ngơi để nhịp tim có thể ổn định trở lại.
Sau một hồi chạy chậm, cuối cùng cũng thấy được các anh, Hiếu hồ hởi bẻ lái 90 độ để bắt đầu nhập đoàn.
Oạch!!! Hiếu miết mông và cặp giò trên nền đất ướt.
“Thế quái nào lại quên được nhỉ, rõ ràng đã biết là đường trơn hè trượt rồi mà sao vẫn cứ hành động hấp tấp…”
Khoảnh khắc trông thấy cảnh đấy, có lẽ các anh vừa buồn cười, vừa lo cho thằng em bị chấn thương chân cẳng.
May thay, khi đó tôi chạy chậm, không xảy ra vấn đề gì quá nghiêm trọng.
Vẫn đứng lên như bình thường, cùng mọi người hoàn thành bài chạy.
Vậy là cũng sang tiết mục Food Tour, làm liền một bát bánh đa cua Hải Phòng, tôi cùng với mọi người tận hưởng nốt chuyến đi chơi kỳ thú.
Buổi Long Run chạy bù cho hôm thứ 7 vừa rồi (17/09/2022),
Lần đầu chạy buổi chiều ở công viên Yên Sở,
Cái nóng vắt hết nước, mệt mỏi thì bủa vây.
Hôm nay tôi đã thử sửa dáng chạy,
Thật là khó ghê, với thói quen đã có,
Biến bờ mông con vịt thành dáng đứng thẳng lưng.
Luyện sức bền trong 70 phút.
Chạy cùng những hạt mưa li ti từ sáng sớm khi trời vẫn còn tối mịt. Hôm nay là một bài chạy nhanh.
Sau khi đẩy nhịp tim lên cao với 16 phút tăng tốc, tôi chuyển sang vừa chạy nhanh kết hợp với đi bộ trong bốn lượt. Hai lượt đầu thấy tương đối dễ dàng, lượt thứ ba thì thực sự thử thách, đến lượt cuối thì bắt đầu cảm thấy buồn nôn. Cảm giác này có lẽ đến từ việc chạy nhanh và trời lạnh.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Có lẽ khác với đại đa số các vận động viên khác, cảm giác của tôi trong lần đầu tiên tham gia chạy giải thật đặc biệt, đó là BUỒN. Thực sự rất rất buồn, nỗi buồn đi nhẹ của tôi lên đến đỉnh điểm khi ban tổ chức báo rằng khu vực thi đấu không được bố trí nhà vệ sinh như tôi đã nghĩ 🥲 . Lặn lội cuốc bộ sang Vincom Plaza Long Biên gần đó, chui xuống hầm gửi xe xin đi ké phòng đặc biệt, chỉ dành cho nhân viên, không phận sự miễn vào.
Đứng ở vạch xuất phát, tôi bị choáng ngợp với hình ảnh đông đúc và bầu không khí sục sôi của các vận động viên. Mỗi người một vẻ, với đủ mọi vóc dáng và phong cách thời trang.
Quãng đường 1km đầu tiên thật quả là đông đúc, đoàn người cứ nhung nhúc bò lên phía trước một cách thật từ tốn. Anh này chạy khởi động, chị kia chụp Selfie, đôi khi thì là một ai đấy vụt lên ôm cua đánh võng, cố len thân vượt ra khỏi đoàn người tấp nập.
Sau một đoạn đường khá dài, tôi bắt kịp một tuyển thủ nữ diện một bộ đồ phải nói là trông vô cùng chuyên nghiệp.
“Em ơi, được bao nhiêu cây rồi em?” chị nghiêng cổ sang hỏi tôi.
Tôi, vẫn đang tập chung chuyên môn, cố giữ cho nhịp thở đều, “Dạ… tầm 5km… gì… đấy chị ạ…“
Giọng tôi có lẽ hơi nhỏ nên phải nói đi nói lại vài ba lần thì chị mới nghe thấy.
“Cảm ơn em!”
“Bây giờ mới đến cây thứ 4 em ơi…” tiếng nói vọng lên chỗ tôi của chị gái lúc nãy cách tôi tầm vài chục mét.
Khoảnh khắc đấy, một cảm giác có chút tiêu cực xuất hiện trong tôi, cố chiếm lấy tâm trí tôi.
Tôi chợt nghĩ, “Ôi thôi bỏ m* nó rồi, sao hôm nay đường chạy nó lại có thể dài hơn mọi khi được nhỉ?”
Cố giữ cho nhịp thở và tốc độ vung chân ổn định, làm chủ tình hình, tôi tiếp tục bon bon tiến lên phía trước.
Nửa đoạn đường còn lại của chặng đua, tôi vượt hết chân chạy này đến tay đua khác. Không thể tăng tốc như đã định, đơn giản vì tốc độ được tôi duy trì ngay từ đầu cuộc đua đến giờ đã vượt quá tốc độ tối đa mà tôi dự kiến.
Những trăm mét cuối của chặng đua đối với tôi là khoảng thời gian tuyệt với nhất. Vì đó là lúc tôi nhìn thấy vạch đích, cũng là thời điểm tôi sẽ bung hết chỗ sức lực còn lại của mình. Như một thằng bị chó đuổi, tôi há m*m há miệng, vít ga bứt tốc, cố gắng đẩy bản thân lên đến cực hạn. Chạy thật nhanh với Pace 3:28 phút/km, trong tiếng hò reo của mọi người, chả mấy chốc tôi đã vượt cái cổng màu đỏ, cái mà sau đấy tôi mới biết là cóc phải cái vạch đích mà tôi đang hướng đến.
Vừa đi bộ vừa thở như một thằng cu vừa khỏi thoát đuối nước, tôi hướng ánh mắt ra phía trước, nhìn vạch đích chỉ còn cách đó tầm vài trăm mét.
“Đấy, chạy cho cố vào, rồi hóa ra cái vạch đích nó ở tít trên kia kìa,” các anh chị vừa cười vừa nói, không phải nói tôi, mà là chính các anh chị.
Thôi thì đã không còn gì để mất, tôi van xin đôi chân đã kêu gào vì phải làm việc quá sức, hít thở hít thở, lại tăng tốc độ để cán đích một cách thật vinh quang, một lần nữa.
Và… hôm nay, tôi đã cán đích đến hai lần.
Hồi phục hậu giải chạy (Hanoi Marathon Techcombank 2022), chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Luyện sức bền trong 70 phút. Cơ cẳng chân khá mỏi do chưa kịp hồi phục sau bài tập bổ trợ. 20 phút đầu bài chạy cảm giác khá vất vả.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải. Cơ cẳng chân trong trạng thái mỏi trong suốt bài chạy.
Bứt phá giới hạn của đôi chân, tiến gần hơn đến cự ly 21km
Chạy được 50 phút, tôi lục túi lấy ra một gói Gel năng lượng. Lần đầu sử dụng, thứ sền sệt này có hơi khó nuốt hơn so với tôi nghĩ, nhưng nó ngọt, không ngọt đậm như kẹo ngậm. Có lẽ bài tập hôm nay không cần thiết phải sử dụng đến nó, nhưng tôi muốn thử, thử xem phản ứng của cơ thể tôi với nguồn dinh dưỡng này như thế nào. Thật may mắn, không hề bị đau bụng hay có dấu hiệu của nôn mử*.
Đến phút thứ 70, trời bắt đầu xuất hiện những cơn mưa thật lớn. Mưa to, dòng nước chảy cuốn theo mồ hôi nơi bờ môi chảy vào miệng thật mặn. Buổi chiều muộn ở công viên Yên Sở thật u ám, không có lấy một bóng đèn điện dọc đường tôi chạy. Mưa mờ hết kính, hàng cây rậm rạp che khuất trời mây. Chạy một cách nặng nhọc trong đôi giày úng nước, tôi căng mắt tìm đường đi trong bóng tối mờ mịt.
Chạy liên tục trong 2 tiếng không nghỉ, đây là mục tiêu của ngày hôm nay; và tôi đã làm được, trong tình trạng căng cơ cẳng khi mà cơ thể vẫn còn sung sức.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Chạy Tempo để nâng ngưỡng chịu đựng acid lactic.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải. Ống đồng chân phải đau nhói. Buộc phải dừng chạy sau 13 phút, tiếp tục đi bộ thêm 17 phút.
Luyện sức bền trong 70 phút. Buổi chạy đầu tiên đồng hành với một đôi giày được gán nhãn zero-drop. Ống đồng chân phải vẫn đau; tuy nhiên, đã có thể bắt đầu tăng tốc và chạy bình thường kể từ phút thứ 30.
Cảm giác khát nước đến ít hơn khi chạy những cự ly dài. Vùng da xung quanh những vị trí tiếp xúc với quần bị trầy xước ngày càng nhiều; cần sử dụng những loại quần phù hợp hơn.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Chân tôi vẫn đau, y như những hôm trước. Cơn đau ập đến kể từ lúc tôi bước chân ra khỏi cửa. Đi lại có chút đau, khởi động mạnh cũng đau.
Hôm nay là một bài Tempo khá nặng.
Trong 8 phút đầu chạy khởi động, trong đầu tôi đã nhen nhóm một ý nghĩ: “Thôi, hay là hôm nay bỏ bài?”
“Nếu một lúc nữa mà không nhấc nổi chân lên nữa, mình sẽ quay về nhà tắm rửa, chuẩn bị cho công việc buổi sáng,” tôi đã nghĩ như vậy.
Chỉ cần có một lý do là tôi sẽ dừng lại.
Tôi đợi, nhưng, lý do đó đã không đến.
Theo quán tính của đôi chân, tôi tiếp tục chạy đến hết bài. Tiết trời sang đông với những đợt gió mùa đầu tiên se se lạnh, sáng hôm nay bầu trời thật đẹp. Không khí khô, tiết trời mát, tôi chạy khỏe hơn hẳn chính tôi của tuần trước đó.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Luyện sức bền trong 70 phút.
Chạy dọc đoạn đường đê ven hồ Đồng Mô, chúng tôi đến với biệt thự Phan Thị, nơi từng là phim trường của bộ phim “Người phán xử”.
Chạy nhanh-chậm liền một mạch không đi bộ, đôi chân đạt đến ngưỡng chịu đựng mới.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Đặt chân đến Ninh Bình vào một buổi chiều nắng, tôi mượn một chiếc xe đạp để đi một dọc Tràng An. Gần chục năm không động đến xe đạp, chiếc xe bon bon trên dải đường thật nhẹ. Tràng An mở ra trước mắt với những vách núi dựng đứng cùng những chú dê xa xa. Tay nắm lấy ghi đông mà cứ ngỡ như đang ngồi xe máy, tôi ghi lại những khung hình nơi đây vào bộ nhớ chật hẹp của mình; trước khi quay trở về khách sạn, ăn uống, tắm rửa, và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho buổi chạy vào ngay sáng hôm sau.
Quả là một đêm không mấy ngon giấc bên chiếc mũi sưng ngạt, tôi mở mắt vào đúng 4h sáng như đã hẹn với chiếc đồng hồ báo thức. Tôi uống nước, lên đồ, xuống sân, đợi mọi người để cùng nhau di chuyển ra điểm tập trung trước khi mặt trời mọc. Trời thật tối và có chút se lạnh, chúng tôi bắt đầu với tiết mục chạy khởi động để làm nóng cơ thể.
Sau màn khởi động chạy quá tốc độ vì mải đuổi theo các anh chị, tôi bước vào phần chính của bài tập. Đến đây, nhóm chạy được tách ra làm hai, làm ba, có khi là bốn cụm, tôi được chạy cùng với chị Lan Anh và Coach. Hôm nay tôi chạy chậm hơn một chút so với tốc độ bài chạy; dẫu vậy, tôi vẫn cảm thấy mệt, hẳn là do một buổi tối lạ giường. Đồng hồ thấy vậy thì cứ kêu thật lực, như thể đang bảo: “Mà* lo mà chạy phiên phiến cái chân lên cho ta*!” Mặc kệ, tôi tiếp tục trò chuyện với các tiền bối trong khi vẫn để cho cơ thể di chuyển ở một tốc độ vừa phải.
Nửa chặng đường đầu tiên thật nhẹ nhàng biết bao, chúng tôi có thêm anh Phúc, có thêm chị Yến, cuộc trò chuyện thật là sôi nổi.
Cho đến khi từng người kết thúc bài chạy, chỉ còn lại mỗi tôi và vận động viên chạy trail kỳ cựu Lan Anh chạy nốt những ki-lô-mét cuối.
Người đã thấm mệt, hai chị em chỉ còn biết động viên nhau mà chạy tiếp.
“Còn… 40 phút… nữa chị… ạ…. Còn 30… phút nữa… thôi….”
Nhớ lại thì, thực ra lúc đó chỉ là tôi đang tự động viên tôi, chứ những bước chân của chị Lan Anh dường như vẫn rất lực.
Kết thúc buổi Long Run cũng là lúc mặt trời lên cao, chúng tôi dành ra một chút thời gian để hóa thân thành những người mẫu quảng cáo cho các thương hiệu quần áo thể thao và giày chạy bộ.
Lên xe quay về khách sạn, tắm rửa gột sạch lớp mồ hôi, thu dọn đồ đạc balo hành lý, chúng tôi lại lên xe đi tìm điểm ăn sáng. Nào là bún cá, nào là quán lươn, rẽ bên trái, cua bên phải, chúng tôi vẫn không thể đến được điểm cần đến. Thật là một bữa sáng bất ổn nhưng cũng đầy những tiếng cười.
Ăn sáng xong, quay trở lại xe, buồn ngủ, tôi lim dim nghĩ về đĩa thịt dê mình sẽ chén vào trưa nay…
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải, tăng tốc vào 10 phút cuối.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải.
Lên xe từ 2h sáng phóng ra Long Biên để kịp giờ chạy, tôi có mặt ở Trung tâm Thể thao Quận Long Biên khi mặt trời còn chưa ló rạng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi chính là sự đông đúc của đoàn người kéo đến địa điểm tập trung, nằm cách vạch xuất phát tầm vài trăm mét. Kẻ đứng, người ngồi, kẻ xỏ giày, người khởi động,… thật là một bầu không khí náo nhiệt.
Tôi đi dạo vài vòng để tìm kiếm những gương mặt thân quen.
Không một ai hết, xunh quanh đều là những bóng hình xa lạ.
Tạm dừng việc tìm kiếm, tôi đứng lại gần vị trí khu gửi đồ, bắt đầu khởi động.
Vẫn là những bài khởi động hàng ngày mà tôi thực hiện trước mỗi bài tập, nhưng hôm nay, trong mỗi động tác lại có thêm một nhịp xoay đầu ngoái cổ, cốt để nhìn vào khuôn mặt và dáng đi của những người qua lại.
Lấp ló gần đấy, trong một cái góc tối om, một dáng hình đầy đặn hiện ra trông thật quen thuộc.
Tôi chạy đến gần, nhìn và cười tủm, “Chị Vân!”
“Ơ Hiếu à, dáng nhìn thon thế.”
“Anh nhà chị đâu hả chị Vân?” tôi hỏi.”
“Đang đi gửi đồ rồi, em ra gửi đồ luôn đi kẻo tí nữa lại đông,” câu nói cuối cùng tôi được nghe từ chị, trước lúc chị biến mất sau khi tôi quay trở về từ khu gửi đồ.
Chui vào “chuồng (PEN xuất phát)” chuẩn bị để tiến ra khu vực xuất phát, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm những người anh, người chị, người bạn của mình. Vẫn một mình tôi đơn độc ở trong một không gian chật ních.
“Xuất phát!!!” hiệu lệnh của ban tổ chức được truyền đến tai chúng tôi. Tôi bắt đầu giải đấu với 10 phút chạy khởi động nhẹ nhàng. Hình ảnh về những chị phù thủy hay những anh hề trên đường chạy nhắc tôi nhớ rằng Halloween đã đến. Tôi tự hỏi, “Không biết mặc những bộ đồ đấy lên rồi chạy thì cảm giác sẽ như thế nào nhỉ? Hẳn là phải nóng và vướng víu lắm 😂 .”
Cố gắng kiềm chế bản thân không bị cuốn theo dòng người tăng tốc, tôi chạy giữ sức trong 10 cây số đầu tiên với một tốc độ vừa phải. Chốc chốc, tôi lại xoay đầu ngoái cổ nhìn màu BIB của những vận động viên xung quanh để xem liệu mình có đi lạc vào làn của cự ly 42 hay không. Quá rảnh rỗi, tôi tiếp tục công cuộc tìm kiếm người quen bằng cặp mắt độn hai cái đít chai của mình.
Chả gặp được một ai trong cả đoạn đường 10km đầu tiên, tôi ôm cua tại chỗ quay đầu, tiếp tục chạy trên chính con đường vừa nãy nhưng theo chiều ngược lại.
Những cuộc gặp gỡ chỉ bắt đầu khi tôi bước sang ki-lô-mét số 11.
Chị Vân gọi tôi khi hai chị em giao nhau trên con đường hai chiều.
Đến ki-lô-mét thứ 15 hay 16 gì đó, một hình ảnh vừa lạ mà cũng thật quen đập thẳng vào mắt tôi, hình ảnh anh Bằng đang ngồi xổm lia ống kính chụp các vận động viên đang chạy về hướng đó.
“Anh Bằng!”
Tôi chỉ kịp gọi anh đúng một câu ngay trước khi chạy vọt qua anh và tí nữa thì ôm lấy một chân chạy nam ở trên đường chạy.
“Mải tạo dáng quá tí thì ôm đấy nhá,” một chân chạy khác gần đấy trêu tôi.
5km cuối của đường chạy, tôi bỗng thấy tức ngực, một cảm giác đau mà tôi chưa bao giờ gặp phải. Quá đau, mặt tôi méo xệch, hơi thở hổn hển, chủ động giảm tốc cho đôi chân để điều hòa lại nhịp thở. Những ki-lô-mét cuối với tôi thật là khó nhọc.
Còn 500 mét tính từ chỗ tôi cho đến vạch đích, tôi đốt nốt chỗ năng lượng tiết kiệm được kể từ lúc xuất phát. Chạy như một thằng bị chó đuổi, tôi vượt qua tất cả các chân chạy phía trước tôi không chừa một ai. Hai bên đường, đám đông hò reo, tôi nghe thấy giọng của một bạn nữ tình nguyện viên hô to, “Áo cam cố lên…,” thực sự là tôi cũng không biết có phải là ám chỉ tôi không nữa bởi có nhiều áo cam quá, nhưng tôi có thể chắc chắn một điều là tôi không hề ngán bất cứ ai vào khoảnh khắc đấy. À thì thực ra có duy nhất một anh trai tôi không thể vượt qua được, lúc chạy đến nơi là anh đã gần chạm vạch đích trong tư thế của kẻ chiến thắng rồi nên tôi cũng đành chịu.
Về đích, tôi tu liền hai lon Pocari Sweat mát lạnh.
Giãn cơ, ngâm chân với nước đá cùng một vài hoạt động khác, tôi tiếp tục có những cuộc gặp gỡ đầy thú vị.
Một chân chạy cự ly 21km đến từ Thái Nguyên chia sẻ, “Hôm nay anh chạy không được khỏe như mọi khi, chắc chỉ được 2 tiếng cộng 10 giây gì đó.”
“Tối qua vừa làm một chầu bia, nay tim anh lên cao chót vót.”
Hay một anh trai khác chạy cự ly 10km nhờ tôi chụp ảnh quanh khu vực check-in.
Anh cảm ơn tôi bằng một cây kem vị xoài mát lạnh.
Tôi gặp lại chị Vân, và gặp những người bạn của mình. Chúng tôi chụp ảnh để lưu giữ lại những kỷ niệm của ngày trọng đại này trước khi lấy xe ra về.
Những vận động viên bị rơi rớt lại của cự ly Full Marathon vẫn đang mệt nhọc chạy về đích dưới cái nắng oi bức. Những con đường vẫn bị phân làn, dựng rào chắn, chăng dây chằng chịt. Không biết đi lối nào để về, chúng tôi bám theo luồng người di chuyển, làn xe rẽ hướng nào, chui vào đâu thì chúng tôi đi theo đấy. Thoát được những con đường đông đúc, tôi phóng thẳng một mạch về nhà nghỉ ngơi sau một ngày try-hard căng thẳng.
Chạy 50 phút với tốc độ vừa phải. Dừng chạy từ phút 40 vì chân phải quá đau.
Một giải chạy ngắn vui vẻ cùng những người bạn.