TL;DR: Hướng dẫn pha cà phê bằng công thức 4:6, được trình bày tại World Brewers Cup 2016 Champion bởi quán quân Tetsu Kasuya.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã ít nhất một lần được nếm thử hương vị của cà phê, có thể từ những gói cà phê hòa tan, từ những tách cà phê pha máy ngoài quán, hay chí ít là từ những viên kẹo vị cà phê. Kể cả có chưa được nếm thì chắc cũng không còn gì xa lạ với tên gọi của loại thức uống phổ biến này. Cà phê phổ biến đến mức mà những đám bạn có hẹn nhau đi đâu, chưa cần biết là ăn con gì, uống thứ nước gì, cũng quen miệng buông ra một câu đại loại như: “Cuối tuần anh em làm kèo cà phê đê.” “Cà phê không tụi bây?”
Chắc hẳn sẽ có những bạn, vì tò mò, vì muốn lấn sâu hơn vào thú vui “cà phê đạo” mà sẽ bắt đầu tìm hiểu những thứ xung quanh cà phê như nguồn gốc xuất xứ, thu hoạch, chế biến, v.v. hay đơn giản nhất và gẫn gũi nhất đó là học cách tự pha cho mình một tách cà phê mang trong đó phong cánh của riêng mình. Trong bài blog này, mình sẽ chia sẻ đến các bạn cách để pha một tách cà phê bằng phương pháp Pour Over một cách đơn giản nhất; đặc biệt phù hợp với những bạn mới bắt đầu học pha cà phê và có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về thú vui xả stress độc đáo này.
Trước khi đi vào phần nội dung chính, mình xin có đôi lời về phương pháp pha Pour Over. Pour Over, hay dịch một cách thô thiển là “rót nước qua”, là cụm từ để chỉ một hình thức pha cà phê mà nước nóng sẽ được rót qua bột cà phê, nhằm chiết xuất ra dung dịch cà phê chảy nhỏ giọt xuống một bình chứa. Ngoài Pour Over, ta còn rất nhiều những cách pha chế khác như cà phê pha phin, cà phê pha theo kiểu ngâm, cà phê pha bằng áp suất, v.v.
Các bạn có thể trực tiếp quan sát quán quân Tetsu Kasuya trình bày về công thức pha cà phê độc đáo này tại
Pha cà phê theo phương pháp Pour Over thú vị ở chỗ đó là hương vị của tách cà phê phụ thuộc rất nhiều vào quá trình pha. Chỉ một thay đổi nhỏ trong cách pha chế cũng có thể tạo ra những tách cà phê với các hương vị khác nhau. Điều này khiến cho việc pha cà phê trở thành một bộ môn nghệ thuật đúng nghĩa. Có thể hôm nay bạn pha được một tách cà phê rât ngon theo khẩu vị của mình, nhưng ngày mai, vẫn chỗ bột cà phê đấy, có thể bạn sẽ pha ra một tách cà phê dở tệ. Ngoài việc khám phá tầng tầng lớp lớp hương vị trong mỗi lần pha, điểm mấu chốt ở đây đó là khả năng tái tạo lại được một hương vị cụ thể nào đó.
Công thức 4:6 được tạo ra với mục đích giúp người pha có thể dễ dàng định lượng được nhiều yếu tố, nhờ đó có thể điều chỉnh được hương vị của tách cà phê theo ý muốn cũng như có khả năng tái tạo lại hương vị đó khi cần. Về lý thuyết, ta sẽ điều chỉnh hương vị cà phê trong một lần pha bằng cách chia tổng lượng nước dùng để pha thành hai phần:
Tỷ lệ giữa khối lượng cà phê và nước theo công thức 4:6 sẽ là 1:15; nói cách khác, cứ mỗi gram cà phê được sử dụng, bạn sẽ cần đổ vào tổng cộng 15 gram nước.
Thông thường, mình sẽ sử dụng 10 gram bột cho mỗi lần pha. Dựa trên tỷ lệ ở trên, số nước nóng cần dùng sẽ rơi vào khoảng 150 gram.
(Các con số bên dưới mình sẽ minh họa cho trường hợp pha 10 gram cà phê cùng 150 gram nước.)
Đặt bình chứa, phễu và giấy lọc ngay ngắn trên bàn cân.
Rót nước nóng từ từ lên bề mặt giấy để giấy ướt đều. Việc tráng giấy lọc, phễu và bình chứa bằng nước nóng giúp hạn chế sự ảnh hưởng của những tạp chất có trong giấy đến mùi vị của cà phê và đồng thời làm ấm bề mặt của phễu và bình chứa. Nhớ đổ phần nước sau khi tráng trong bình chứa.
Đặt bộ đo khối lượng của cân tiểu ly về vạch 0. Sau khi mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, ta sẽ chuẩn bị bấm giờ và rót nước.
(Khoảng thời gian giữa các lần rót là 45 giây, bất kể khối lượng cà phê sử dụng.)
40% lượng nước đầu (40% của 150 gram là 60 gram): Ta sẽ chia lượng nước này thành hai lần rót. Đơn giản nhất, hai lần rót sẽ có khối lượng bằng nhau, tức 30 gram mỗi lần.
60% lượng nước còn lại (60% của 150 gram là 90 gram): Chia làm ba lần rót, mỗi lần 30 gram
Với việc chia tổng lượng nước thành năm lần rót với khối lượng ngang nhau, ta sẽ thu được tách cà phê với hương vị cân bằng. Với những bạn muốn điều chỉnh độ ngọt/chua và đậm/nhạt, ta sẽ tác động vào tỉ lệ nước giữa mỗi lần rót, cụ thể như sau:
40% lượng nước đầu (điều chỉnh độ ngọt/chua): Nếu bạn thích uống ngọt, hãy giảm lượng nước của lần rót đầu tiên, ví dụ, từ 30 gram giảm xuống còn 25 gram. Ở lần rót thứ hai, ta rót nốt chỗ nước còn lại (35 gram). Ngược lại, nếu bạn muốn tách cà phê chua hơn, một con số tham khảo có thể là 35-25
60% lượng nước còn lại (điều chỉnh độ đậm/nhạt): Nếu bạn thích uống đậm, hãy chia 60% này thành bốn (năm hoặc nhiều hơn) lần rót bằng nhau. Ngược lại, có thể điều chỉnh cho cà phê nhạt hơn bằng cách giảm số lần rót; ví dụ, rót toàn bộ 60% nước còn lại trong một lần rót hoặc chia thành hai lần rót (45 gram) bằng nhau.
Vậy là chỉ với vài bước đơn giản, cùng khoảng 5-10 phút pha chế, ta đã có ngay cho mình một tách cà phê mang hương vị độc bản.